Suy vong Hậu Triệu

Cuối đời Thạch Hổ, các con trai tranh quyền. Thái tử Thạch Tuyên giết Tần công Thạch Thao, Thạch Hổ liền giết Thạch Tuyên.

Chống lại ách áp bức tàn bạo của Thạch Hổ, quân lính đồn trú tại Lương Châu đã nổi dậy khởi nghĩa lực lượng lên đến 10 vạn người và đánh bại quân đồn trú của Thạch Hổ gần thành Lạc Dương.

Sau khi Thạch Hổ chết (349), con nuôi là Thạch Mẫn (Nhiễm Mẫn) và đại tướng Lý Nông thừa cơ khống chế chính quyền, giết Bành Thành vương Thạch Tuân, lập Nghĩa Dương vương Thạch Giám lên ngôi. Nhưng sau đó Thạch Giám sợ Thạch Mẫn lấn át quyền hành nên mưu giết Thạch Mẫn. Vì vậy Nhiễm Mẫn bắt giam Thạch Giám. Nhiễm Mẫn ra lệnh tàn sát thẳng tay các dân tộc thiểu số. Chỉ riêng ở kinh đô Nghiệp Thành có hơn 20 vạn người bị giết[16]. Cuộc tàn sát khiến cho sau đó người Hung Nô bị suy yếu nhanh chóng, không thể phục hồi sức mạnh.

Năm 350, Thạch Mẫn giết Thạch Giám cùng 5 người con và 28 người cháu của Thạch Hổ, giết sạch gia tộc họ Thạch, ban đầu đổi sang họ Lý, sau đổi lại thành họ Nhiễm, tự lập làm hoàng đế, lấy quốc hiệu là Ngụy, sử gọi là Nhiễm Ngụy.

Tân Hưng vương Thạch Chi bèn lên nối ngôi vua Hậu Triệu ở Tương Quốc[17], được nhiều người Hồ các tộc Hung Nô, Yết, Chi, Khương ủng hộ, mang quân tiến đánh Nghiệp Thành.

Nhiễm Mẫn thấy tình thế bất lợi, bèn bỏ chính sách tàn sát người Hồ. Sau đó Mẫn đem quân giao chiến với Thạch Chi. Nhiễm Mẫn thắng trận, cho quân bao vây Tương Quốc. Thạch Chi liên hợp với vua nước Tiền YênMộ Dung Tuấn, thủ lĩnh người Khương là Diêu Dực Trọng[18] và thủ lĩnh người Chi là Bồ Hồng đang làm thứ sử Ung châu. Nhiễm Mẫn không chống nổi liên quân, quân sĩ bị giết chết rất nhiều, phải rút lui.

Tuy nhiên sau khi Nhiễm Mẫn lui quân, phía Hậu Triệu lại có nội loạn. Đô tướng quân Lưu Hiển của Hậu Triệu làm phản giết Thạch Chi, tự xưng làm hoàng đế. Không lâu sau, Nhiễm Mẫn tấn công hạ Nghiệp thành và giết chết Lưu Hiển.

Cái chết của Thạch Chi đánh dấu sự chấm dứt của nước Hậu Triệu. Miền bắc Trung Quốc tiếp tục mở ra cục diện phân liệt mới.

Nước Hậu Triệu tồn tại tất cả 34 năm, có 7 vua.